Lapin Agile thời kỳ Frédéric Gérard Lapin Agile

"Lão Frédé"

Frédéric Gérard, mamg biệt danh "Lão Frédé", từng sống một thời gian dài trên lề đường của Montmartre, cùng với con lừa Lolo, hành nghề bán hoa quả. Sau đó, Frédéric Gérard trở thành chủ quán cabaret Le Zut và "kết thúc sự nghiệp ngắn ngủi bằng một cuộc ẩu đả đáng nhớ kéo dài suốt một đêm"[8]. Khi tới Lapin Agile, Gérard mang theo một con khỉ, một con chó, một con quạ, vài con chuột bạch và con lừa Lolo, bán cá trên các con phố của Montmartre để kiếm sống.[6]

Mang "dáng vẻ của Robinson Crusoe, của kẻ đánh bẫy thú vùng Alaska và của tên phỉ vùng Calabria"[9], Frédéric Gérard chơi violoncelle hoặc ghi-ta, hát những bài ca lãng mạn hay hiện thực. Nhưng trên hết, "Lão Frédé" không bao giờ do dự khi đem những bữa ăn và cá cho những nghệ sĩ đang cháy túi để đổi lại một bài hát, một bức tranh hay một bài thơ[10][11]. Khi tòa nhà Lapin Agile đứng trước nguy cơ phải phá bỏ vào năm 1913, Aristide Bruant, một khách quen của quán, đã mua lại và dành cho Frédéric Gérard quyền quản lý.[12]

Trung tâm của giới nghệ sĩ và du đãng

Nhờ "lão Frédé", Lapin Agile nhanh chóng trở thành điểm gặp gỡ yêu thích của giới nghệ sĩ. Các khách hàng Pierre Mac Orlan, Roland Dorgelès cũng đôi khi hát ở quán. Max Jacob, André Salmon, Paul Fort, Gaston Couté... ngủ ngay dưới bàn khi say rượu. Apollinaire đọc những bài thơ Alcools[13]. Picasso vẽ một bức chân dung cho Marguerite Luc, Femme à la corneille vào năm 1904[6]. Một tác phẩm khác của Picasso, bức Au Lapin Agile (Ở Lapin Agile), ngày nay trở thành một trong những họa phẩm đắt giá nhất thế giới. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác của thời kỳ này như nhà văn Francis Carco, diễn viên Charles Dullin cũng trở thành khách quen của quán.

Nhưng những nghệ sĩ không phải những khách hàng quen duy nhất ở Lapin Agile. Quán còn đón nhận cả những người chủ nghĩa vô chính phủ[14], và trên hết là những kẻ tội phạm đến từ khu vực chân đồi Montmartre và khu phố Goutte d'Or[15]. Francis Carco, tới Lapin Agile vào khoảng mùa đông 1910–1911, nhớ lại: "Những cô gái nhỏ và những kẻ lang thang yêu thích thơ ca kết thân với những khách hàng bình thường và mời họ uống..." Các cuộc ẩu đả đã đôi khi xảy ra ở Lapin Agile và đỉnh điểm vào năm 1910, Victor, con trai của Frédéric Gérard, đã nhận một phát đạn vào đầu khi đang đứng sau quầy bar[16].

Bức tranh Et le soleil s'endormit sur l'Adriatique

Bức tranh Et le soleil s'endormit sur l'Adriatique

Vào khoảng thời gian này, trong những khách hàng của Lapin Agile xuất hiện sự đối đầu giữa hai nhóm nghệ sĩ: các họa sĩ tiên phong bị gọi bằng cái tên mỉa mai "bọn Picasso" và nhóm truyền thống vây quanh Dorgelès[17]. Vào năm 1910, nhóm các nghệ sĩ truyền thống thực hiện một trò đùa diễu cợt: mang họa phẩm Et le soleil s'endormit sur l'Adriatique của Joachim-Raphaël Boronali, một họa sĩ người Ý vô danh, tới Triển lãm Độc lập (Salon des Indépendants) cùng với lý thuyết về một trào lưu nghệ thuật mới: Excessivisme (tạm dịch: Chủ nghĩa cực đoan).

Thực tế, tác giả Et le soleil s'endormit sur l'Adriatique là Lolo, con lừa của Frédéric Gérard. Dorgelès, với sự giúp đỡ của André WarnodJules Depaquit, đã buộc vào đuôi con lừa một cây cọ vẽ. Roland Dorgelès có tiết lộ với tờ Fantasio: "Để cho bọn ngốc, bọn bất tài, bọn kiêu căng chiếm đầy triển lãm này thấy tác phẩm của một con lừa, những nét vẽ của cái đuôi, không phải không có chỗ đứng giữa những tác phẩm của họ"[18].

Trò đùa đã thành công. Bức tranh trở thành đề tài của những bình luận hơi trái ngược và bán được giá cao[19]. Nhưng André Salmon, người đồng thời là bạn của cả Dorgelès và Picasso, đã chỉ ra trong Souvenirs sans fin (1955) rằng ý định của Dorgelès không thực sự thành công. Tuy bức tranh được chấp nhận ở Salon des Indépendants, nhưng điều này không có ý nghĩa. Không có một hội đồng nào đứng ra lựa chọn và tất cả các họa phẩm gửi đến đều được đồng ý.[20]